Chap4 : Nghi Lễ Cầu An.

2100 Words
#Địa_Mộ - Tác Giả Trường Lê. #Chap4 : Nghi Lễ Cầu An. Làng Trúc buổi tối ngày hôm ấy nhộn nhịp, huyên náo cho tới tận nửa đêm. Người người, nhà nhà nô nức chung tay chuẩn bị các vật dụng cần thiết cho buổi lễ cầu an, mong muốn sẽ có một vụ mùa thuận lợi. Thanh niên trai tráng chuyển gỗ, dựng đàn, đuốc cháy sáng rực cả một khoảng trời. Phụ nữ gói bánh, hoàn thành nốt những tấm vải đủ màu sắc, sắp xếp các loại hoa quả, đồ ăn, thức uống phục vụ cho ngày mai. Trưởng làng cũng tất bật không kém khi phải bao quát toàn bộ tiến trình làm việc của mọi người. Tất nhiên lão Lang cũng có mặt, chứng kiến cảnh mọi người nhộn nhịp, nét mặt vui tươi, hăng hái lão Lang đoán đây chắc hẳn là một buổi lễvô cùng quan trọng. Nhìn thấy lão Lang, trưởng làng bước lại gần rồi mỉm cười nói : -- Lão đến rồi đấy à…? Lão thấy chúng tôi chuẩn bị như thế này được chứ..? Chỗ Y Điêng đang chỉ đạo các thanh niên trai tráng ghép các tấm gỗ lại với nhau kia chính là tế đàn nơi mà ngày mai mo Chằm sẽ ngồi ở đó để làm lễ. Đàn được dựng với 3 tầng, tượng trưng cho Thiên - Nhân - Địa. Phía đằng kia, những người phụ nữ trong làng đang chuẩn bị những món ăn ngon nhất, tươi nhất, những loài hoa đẹp nhất để ngày mai dâng lên đàn cúng tế chư thần. Chúng ta dành tất cả những điều tốt đẹp nhất mà chúng ta có để cầu mong thần linh sẽ tiếp tục bảo vệ ngôi làng, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, gia súc, gia cầm khỏe mạnh, không dịch bệnh….Và quan trọng nhất là cầu cho tất cả người dân Làng Trúc luôn được an yên, vui vẻ. Lão Lang gật đầu đáp : -- Nhìn cách mọi người hăng say làm việc, ai nấy cũng đều nói cười vui vẻ…..Tôi cũng nghĩ chắc hẳn mọi người mong chờ nghi lễ cầu an này lắm. Thật may mắn khi ngày mai tôi cũng được tham gia vào buổi lễ. Trưởng làng tiếp : -- Đúng rồi nhỉ, tôi quên béng đi mất…...Đây cũng là lần đầu tiên lão tham gia buổi lễ mà. Khà khà khà, lão nói đúng, lễ cầu an được tổ chức vào mỗi dịp cuối năm. Là nghi lễ được toàn bộ người dân Làng Trúc chờ đợi. Khi nhắc đến lễ cầu an, chúng tôi đều biết rằng năm cũ sắp qua đi, chuẩn bị cho một năm mới, cho một vụ gieo trồng mới. Ngôi làng này đã tồn tại qua hàng trăm năm, với những gì được ghi chép lại, việc tổ chức lễ cầu an chính là một nét đặc trưng của Làng Trúc. Cho tới nay, trải qua biết bao thế hệ, chúng tôi vẫn giữ được phong tục mà người xưa để lại. Chỉ có điều…. Thấy trưởng làng đang nói bỗng dừng lại, nét mặt thoáng buồn, lão Lang bèn hỏi : -- Trưởng làng sao vậy, có vấn đề gì trong việc chuẩn bị sao…? Trưởng làng cứ nói, nếu giúp được tôi sẽ giúp. Trưởng làng khẽ cười, tuy nhiên nụ cười của ông thoáng buồn, ông đáp : -- À không, về việc chuẩn bị thì chúng tôi đang làm rất tốt. Cái mà khiến tôi thở dài đó chính là, theo như những gì tôi được nghe kể lại thì ngày xưa, khi tổ chức nghi lễ, người đứng ra làm chủ lễ, nhận lãnh trách nhiệm liên kết với các vị thần không phải thầy mo nào cả mà chính là trưởng làng đương nhiệm. Bởi từ xa xưa, dân làng đều cho rằng người hiểu rõ nhất từng sự việc trong làng không ai khác ngoài trưởng làng. Và họ tin rằng, việc trưởng làng đại diện cho toàn bộ người dân gửi lời cầu khẩn đến các vị thần là điều tốt nhất. Lão Lang nói : -- Cũng đâu thể nói như vậy được, cho dù trưởng làng có là người hiểu rõ về làng nhưng theo tôi nghĩ, muốn làm chủ lễ, ít nhiều cũng phải có những kiến thức về tâm linh, có khả năng giao tiếp được với thành thần. Mà điều này đâu phải ai cũng làm được. Không biết nên phải nhờ đến các thầy bùa, thầy mo âu cũng là việc dễ hiểu và thông cảm. Trưởng làng khẽ lắc đầu : -- Lão không biết đấy thôi, từ xa xưa, người nắm giữ chức vụ trưởng làng của Làng Trúc đều là những người cực kỳ thông tuệ, mỗi đời trưởng làng đều có một khả năng đặc biệt, chưa kể đến họ còn am hiểu về y thuật. Do đó tôi mới thấy mình kém cỏi, bởi vậy tôi với dân làng muốn chuẩn bị tất cả mọi thứ thật chu toàn, phần nào tạ lỗi với các bậc tiền nhân. Lão Lang tròn mắt ngạc nhiên : -- Thật sự là những người từng giữ chức vụ trưởng làng thời xa xưa giỏi đến như vậy thật sao….? Trưởng làng khẽ cười gật đầu : -- Người xưa kể lại thì chắc chắn không sai được. Hơn nữa trong quá khứ, Làng Trúc cũng phải rất vất vả để chống lại sự dòm ngó của người Trung Quốc bên kia biên giới. Đã có một thời gian dài, ngôi làng này bị tấn công bởi các nhóm thổ phỉ tới từ phía Vân Nam. Họ cho rằng ở đâu đó trong làng này ẩn chứa kho báu, vàng bạc. Thông tin được tung ra từ những thầy bùa người Trung Quốc. Đám cướp, thổ phỉ không rõ đầu đuôi, thực hư ra sao nhưng vẫn đánh liều tràn vào làng cướp bóc, đào bới. Nhưng cuối cùng, dưới sự lãnh đạo cũng như sự đồng lòng của người dân Làng Trúc, kể từ đó về sau, đám thổ phỉ Trung Quốc không còn dám bén mảng tới đây nữa. Dân làng truyền tai nhau, trưởng làng tại vị lúc đó đã sử dụng bùa pháp bảo vệ mọi người. Chống lại đám thầy bùa người Tàu, dù cho chúng triệu hồi cả âm binh quấy phá. Lão Lang gật gù : -- Ra là vậy, chẳng trách cho tới bây giờ, người dân Làng Trúc vẫn không chấp nhận để cho người Trung Quốc đặt chân vào làng. Trưởng làng nói : -- Đó cũng là một lý do, còn lại nguyên nhân sâu xa thì đến đời chúng tôi cũng mơ hồ lắm. Chỉ biết, cổ nhân đã để lại di ngôn thì hậu bối cứ thế mà làm theo. Đó cũng chính là lý do khiến ngay sau khi đưa lão về làng, tôi cùng với dân làng lại có phản ứng như vậy. Bởi khi ấy chúng tôi chưa biết rốt cuộc lão là ai, có phải người Trung Quốc hay không…? Lão Lang hỏi : -- Vậy nếu lỡ như tôi là người Trung Quốc thì sao…? Trưởng làng cười lớn : -- Ha ha ha, theo như cách ăn mặc thì lão không phải người bên Vân Nam, tiếp theo nữa sau khi lão tỉnh dậy lão lại nói được tiếng Việt, thậm chí là còn nói được cả tiếng của người đồng bào. Chẳng có người Trung Quốc nào nói tiếng Việt mà như người Việt cả đâu. Ngoài ra, lão còn là ân nhân cứu mạng con trai tôi, 6 tháng qua lão bốc thuốc, chữa bệnh cho người dân trong làng. Không phải tự nhiên mà tôi cùng với dân làng yêu quý lão như vậy. Mà kể cả lão có là người Trung Quốc thì lão vẫn là người tốt. Thực ra đối với dân Làng Trúc mà nói, chúng tôi không hề ghét bỏ người Trung Quốc, chúng tôi thi thoảng vẫn giao dịch, trao đổi nông sản, thịt thú rừng lấy các vật dụng mà chúng tôi không có. Trên đời này có kẻ xấu thì cũng có người tốt, việc chúng tôi không cho người Trung Quốc vào làng là do người xưa đưa ra lệnh cấm. Và cho tới nay điều đó vẫn là điều mà ai ai, từ trẻ nhỏ cho tới người lớn luôn phải ghi nhớ. À mà quên, mải nói về chuyện nghi lễ, từ lúc đi rừng hái thuốc về, lão có cảm thấy trong người thay đổi gì không..? Lão Lang đáp : -- Lúc chiều hơi mệt một chút, nhưng sau khi ăn con gà mà Y Điêng cho tôi thấy khỏe hơn nhiều rồi. Trưởng làng tiếp : -- Vậy là không có triệu chứng như bị ma ám…..Tuy nhiên cẩn thận vẫn hơn, vẫn cứ nên nhờ mo Chằm làm cho một lá bùa phòng thân. Chuyện này lão cứ để tôi lo liệu.. Nhắc tới mo Chằm, bỗng lão Lang thấy đầu mình nhói lên như bị một cây kim đâm vào. Chẳng hiểu sao, từ chiều tới bây giờ, mỗi khi trưởng làng nhắc tới hai từ “ Mo Chằm “ là lão Lang lại có một cảm giác khó chịu như vậy. Mặc dù lão Lang chưa gặp mo Chằm lần nào. Vậy mà trong tâm can lão Lang xuất hiện một sự căm phẫn đầy khó chịu. Lấy lại bình tĩnh, lão Lang hỏi : -- Tôi cũng có nghe nói trước nay mo Chằm là người cúng vái, chữa bệnh cho người dân trong làng. Kể từ khi tôi làm thầy thuốc trong làng, mọi người ít khi tìm đến ông ấy nữa…...Không biết vì việc này mà mo Chằm có ghét tôi không…? Trưởng làng đáp : -- Không có chuyện đó đâu, đúng là trước giờ trong làng nếu có người bị ốm, chúng tôi sẽ cho người mời mo Chằm tới làng để chữa bệnh. Có người sau khi cúng thì khỏi ngay, có người cũng phải mất thời gian vài ngày, thậm chí là lâu hơn…..Mo Chằm chữa bệnh bằng cách cúng tế, sau khi cúng liền cho người bị ốm uống một thứ nước kỳ lạ. Mo Chằm gọi đó là nước thần. Người bị bệnh dù nặng nhẹ, sau khi uống nước đó xong lập tức cảm thấy không còn đau đớn. Có người còn tỉnh dậy làm việc được luôn. Nhưng cũng có những người mặc dù đã được mo Chằm cho uống nước thần, khỏe được vài ngày đột nhiên lăn ra chết. Mo chằm nói, con quỷ trong người họ quá mạnh, nó đã ăn mất bảy phần hồn của người bệnh, cố gắng lắm cũng chỉ kéo dài được mạng sống vài ngày mà thôi. Chuyện chữa bệnh là thế, còn chuyện làm chủ lễ cầu an, tính ra nhiều năm nay đều do mo Chằm đảm nhiệm. Mùa màng vẫn thuận lợi, bản thân dân làng thấy mo Chằm hành lễ rất tốt nên rất tôn trọng ông ấy. Cho dù không tới làng chữa bệnh, nhưng hàng tháng, tôi vẫn cho người đem lễ vật qua biếu ông ta để giữ mối giao hảo. Thế nên không có chuyện mo Chằm vì vậy mà ghét bỏ thầy thuốc của làng đâu. Lão yên tâm…...Khà khà khà. Lúc này công việc cũng đã được chuẩn bị hòm hòm, Y Điêng cùng một vài người khác thấy lão Lang đang ngồi nói chuyện với trưởng làng cũng vội bước tới chào hỏi. Dân làng cũng rất kính trọng lão Lang, gặp lão ai cũng vui vẻ tươi cười hỏi thăm. Họ còn chuẩn bị riêng đồ ăn cho lão Lang đem về. Tuy tới tận bây giờ, mọi ký ức trước kia của lão Lang không còn, nhưng bù lại, sống trong ngôi làng này,lão nhận được rất nhiều tình yêu thương của người dân. Nó khiến cho lão lang vô cùng xúc động, một cảm giác ấm áp từ sâu tận đáy lòng nhen nhóm bùng cháy, sưởi ấm con tim cũng như tâm hồn tưởng chừng đã chết từ lâu của lão. Tuy nhiên, dự cảm của lão Lang không phải chỉ là những suy nghĩ không có cơ sở…..Một âm mưu đang chờ đợi lão sắp sửa xảy đến vào ngày mai….Ngày mà dân Làng Trúc mong mỏi, chờ đợi nhất trong năm : Nghi Lễ Cầu An.
Free reading for new users
Scan code to download app
Facebookexpand_more
  • author-avatar
    Writer
  • chap_listContents
  • likeADD