CHƯƠNG 14

2438 Words
Hôm qua thức khuya như vậy để nói chuyện, nhưng Trường Vĩ vẫn luôn có thể dậy từ rất sớm. Đồng hồ sinh học của Lương Triều cũng vậy, chỉ cần đến đúng giờ là tự động dậy không cần báo thức. Vì vậy mà có lẽ hai người ở chung khá hài hòa. Cô đưa chìa khóa nhà cho anh: “Tạm thời anh cứ ở nhà của em đi, xem như trông nhà giúp em cũng được, tiện cho anh đi làm luôn. Khi nào em về lại đây, rồi anh về lại nhà của anh cũng được.” Lương Triều nhận lấy chìa khóa nói: “Giống hệt như đi ở rể.” Cô phì cười: “Làm rể gia đình em không dễ đâu.” Chuẩn bị kỹ hành lý lại một lượt nữa, Lương Triều rinh hết đống đồ đó ra xe, dặn cô phải chạy xe thật cẩn thận đến nơi thì phải điện thoại báo cho anh biết. Lúc ở quê, anh gọi điện thì nhất định phải nghe máy, rồi còn thêm ty tỷ điều khác. Cô không ngờ, người như anh lại có ngày phải nói nhiều như vậy, không phải anh nói với cô là mọi người xung quanh nhận xét anh là một người ít nói sao? Không còn gì nghi ngờ nữa, tất cả chỉ là vẻ bề ngoài, bên trong anh là một người đàn ông “nhiều chuyện”. Trường Vĩ lái xe một mạch hơn ba tiếng đồng hồ thì cũng về đến nhà, lấy điện thoại nhắn cho anh một tin thông báo rồi mới bấm chuông cửa gọi mọi người trong nhà ra giúp cô khiêng đồ vào. Mấy đứa em họ nhìn thấy cô thì vui mừng muốn nhảy cả lên, đứa nào cũng chạy đến đòi được ôm chị Vĩ. Chị Vĩ của họ là ngôi sao nổi tiếng đấy, bây giờ không ôm thì còn đợi đến bao giờ. Người lớn trong nhà thấy mấy đứa nhỏ vui mừng như vậy thì cũng vui lây ra mặt, dẫn cô vào nhà, bắt cô ngồi xuống phòng khách nói không ít chuyện. Ba mẹ cô thấy con gái tự dưng có một vết thương trên tay thì hốt hoảng: “Tay con bị sao thế kia?” “Con đi tắm bị té thôi, không sao.” Bác hai từ nhỏ đã thương cô như con ruột, thấy vậy thì nói: “Con làm diễn viên, phải chú ý thân thể một chút, người bình thường bị thương một chút không sao, diễn viên nếu có xây xát gì lên truyền hình là có hai ba bài báo suy diễn đủ thứ chuyện trên đời.” Cô chú trong nhà gật gù nói phải, khuyên cô thế này thế kia, cô không nói gì chỉ cười gật đầu với mọi người, về quê cô thích nhất là được nghe mọi người trong nhà nói chuyện như thế này. Hai đứa em họ của cô ngồi trong phòng khách vừa nghe người lớn nói chuyện, vừa ngồi chờ chị Vĩ được thả, để bọn nó còn chạy theo đòi cô kể về thành phố Nam Giang. Trong hai đứa, có một đứa mới vừa lên lớp cấp 3, còn đứa còn lại thì năm nay thi đại học. Thành tích đứa lớn tốt lắm, tháng trước còn nhắn tin khoe với cô được hạng nhất của trường. Biết cô đi đường về cũng mệt rồi, cho nên ba mẹ kêu cô vào phòng nghỉ ngơi đi, một lát ra ăn trưa. Hai đứa nhóc nghe xong còn mừng hơn cô, đi theo cô vào phòng như cái đuôi nhỏ. Đứa lớn là con của nhà bác hai, đứa nhỏ hơn là con của nhà bác ba, hai đứa đều là con trai, nhưng hễ cô về quê là cứ dính lấy cô suốt. Hồi nhỏ còn bị bác hai la nhiều lần rồi, lớn rồi thấy chị em thân nhau thì mới quý cho nên cũng không nói gì nữa. “Chị Vĩ, mấy đứa trong lớp của em đòi em xin chữ ký giùm tụi nó, chị ký cho em mấy tờ nha.” Ngọc Thành, đứa lớn hơn lắc lắc tay cô cầu xin thì từ đằng sau Thanh Hoàng chạy đến kéo bên tay còn lại năn nỉ: “Em nữa, em nữa, tụi nó cứ đòi mãi ấy, em không từ chối được.” Cô thở dài bất lực: “Thì lần nào về mà chị không ký cho hai đứa mấy chục chữ ký.” Ngọc Thành và Thanh Hoàng nghĩ lại thấy cũng đúng, nhìn nhau gãi đầu cười hì hì. Cô xoa đầu hai đứa hỏi thăm tình hình sức khỏe của mấy cô chú trong nhà, hỏi tình hình học tập của hai đứa. Ba chị em vừa nói chuyện, vừa ăn đĩa bánh mà Thanh Hoàng vừa mới lấy trộm được từ bàn của người lớn đang nói chuyện ngoài phòng khách. Bầu không khí của gia đình này, cũng đã một năm rồi cô không cảm nhận được. Ngọc Thành học theo cô thở dài, nói: “Còn 4 tháng nữa là em phải thi đại học rồi, ba mẹ em thấy em học chăm như vậy cũng ít khi nhắc em lắm, nhưng em lại thấy áp lực quá.” Thằng bé nằm dài ra giường, ôm lấy chân cô: “Em rất muốn vào Nam Hoa, em muốn vào cùng một thành phố với chị.” Trường Vĩ nói: “Em vào Nam Hoa vì em thích vào đó, em không nên có suy nghĩ vào được Nam Hoa là vì chị ở thành phố Nam Giang.” Thanh Hoàng nghe thì cũng rầu rĩ, mặc dù năm nay thằng bé mới vào cấp 3 nhưng cũng áp lực không kém. Cô biết ở trường, Ngọc Thành rất nổi bật, ba năm liền đều chưa bao giờ tuột khỏi top 1, hai đứa lại là anh em họ nên nếu học không giỏi sẽ bị so sánh. Bác của cô thì không làm vậy, nhưng miệng đời, ai biết người ta sẽ nói gì. Thấy hai đứa em họ mất tinh thần như vậy, không hiểu sao cô lại thấy buồn cười, kéo hai đứa dậy: “Đi theo chị ra gian nhà thờ thắp nhang cho ông nội.” Nhà tổ của dòng họ cô rất to, ở giữa là nhà khách để họ hàng tụ họp, đón khách đến, còn gian bên trái là một cái đình nhỏ, giành cho những lúc người nhà cô ra đó uống trà ngắm mưa, gian bên phải là phòng ngủ của cả ba mẹ cô và nhà bác hai. Gian bên phải còn chia ra hai gian nhỏ khác, phân cách ba mẹ cô và gia đình nhà bác hai. Đi sâu vào phía sau thì mới đến gian nhà thờ cúng tổ tiên. Gia đình của cô không giàu có, nhưng các đời đều là làm nhà giáo, là gia đình tri thức điển hình. Ông nội cô từng nói với cô, mọi người theo nghề gì không quan trọng, quan trọng là cô thích làm gì, nếu không thích thì đừng ép buộc bản thân. Cô lúc nhỏ không hiểu ông nội nói gì, lớn rồi, lúc đó ông nội cũng mất, cô mới hiểu ông muốn cô tự do không ràng buộc với truyền thống gia đình. Từ nhỏ đến lớn, ông nội đều rất thương cô. Bước vào gian nhà thờ cúng, ngửi mùi nhang trong không khí, nhìn tên ông nội được khắc trên bài vị đặt ở trên bàn thờ, khóe mắt cô cay cay, không ngờ đã lâu như vậy rồi. Cô và hai đứa em đốt nhang, bái lạy rồi đi ra ngoài đình ngồi chơi. Thanh Hoàng nghe điện thoại xong thì chạy đi đâu mất, chỉ còn lại cô và Ngọc Thành ngồi trong đình. Lúc này Ngọc Thành mới nói: “Cả em hay Thanh Hoàng đều rất hâm mộ chị, được tự do làm thứ mình thích.” “Hai đứa cũng có thể làm được mà, không phải hiện tại mọi người rất ủng hộ chị đó sao?” Ngọc Thành lại thở dài, nói ra một chuyện mà cô không hề hay biết: “Thật ra ba em nói trước khi mất, ông nội có dặn dò cả nhà phải để chị tự do chọn lựa con đường của mình.” Cô sững người, mở to hai mắt ngạc nhiên hỏi Ngọc Thành: “Em nói cái gì vậy?” Hình như biết mình nói hố, Ngọc Thành không dám nhìn thẳng vào mắt Trường Vĩ mà chỉ sợ sệt nói: “Cái này là lúc ba mẹ nói chuyện em nghe được, chị đừng nói với ba mẹ em nếu không em sẽ bị la đó.” Chuyện này cả Thanh Hoàng cũng không hề biết, Ngọc Thành vì vô tình nghe lén được bác hai của cô nói chuyện nên mới biết được. Hôm nay lỡ lời, lại nói cho cô nghe. Trường Vĩ im lặng không nói tiếng nào, Ngọc Thành sợ cô giận cho nên không dám chọc vào chị của mình mà lặng lẽ đi ra gian nhà trên. Cô không giận ai, cô chỉ có chút không hiểu, tại sao ông nội lại làm như vậy? Đến giờ ăn trưa, cô vẫn chưa hết bần thần nhớ lại những chuyện lúc nãy được Ngọc Thành kể. Thanh Hoàng thấy chị mình là lạ, nháy mắt hỏi Ngọc Thành thì cậu chỉ lắc đầu không nói. Cả nhà vẫn rất vui vẻ không nhận ra sự khác lạ của cô, chỉ có mẹ của cô, trong bữa ăn vừa gấp đồ ăn vừa nhìn cô suốt buổi. Ăn trưa xong, cô và hai đứa em rửa bát trong bếp, người lớn thì ngồi ăn bánh uống trà xem tivi ngoài phòng khách. Đến khi rửa xong hết, cô lấy lại trạng thái bình thường ra phòng khách nói chuyện với mọi người. Vì gia đình bác ba còn có việc nên phải về sớm, Thanh Hoàng không được ở chơi với cô nữa thì tiếc hùi hụi kéo mãi mới chịu về. Gia đình cô và bác hai đi sang gian nhà bên phải rồi rẽ vào hai hướng khác nhau, lúc này mới là lúc cô được ở riêng với ba mẹ của mình. Trường Vĩ nắm lấy tay mẹ, hỏi: “Trước khi mất, ông nội đã nói gì với mọi người?” Ba mẹ cô nhìn nhau, thở dài cũng không biết nói làm sao. Ba Trường đẩy mẹ cô về phòng, chỉ để lại không gian cho hai cha con nói chuyện với nhau. Ba của Trường Vĩ dẫn cô ra khoảng vườn mà hồi còn nhỏ cô và ông nội thường tỉa lá cây ở đây, hồi nhỏ không hiểu chuyện, cứ muốn đòi ông nội bế cô lên để tỉa lá, dù lúc đó ông nội đã rất già rồi. “Trong nhà này, ông nội thương con nhất.” Nhớ đến người cha của mình, ba Trường nói chuyện cũng khó khăn hơn, mắt cũng rươm rướm nước mắt. Ông ngồi xuống cái ghế mà ông nội hồi trước từng ngồi, kể lại với cô: “Hồi nhỏ cứ cách một hai ngày là ba với mẹ gửi con ở chỗ ông nội cho ông nội chăm, từ lúc con 3 tuổi đã bắt đầu ở nhà tổ với ông bà nội rồi. Sau đó thì bà nội của con mất, một căn nhà to như vậy, chỉ còn lại một mình ông nội của con. Thật ra lúc đó cũng không phải là do ba mẹ bận không có thời gian chăm bẵm con, mà là vì không muốn ông nội ở đây một mình.” Ba Trường sờ lấy từng phiến lá trên cây, bây giờ lá vàng nhiều như vậy cũng không có ai ngồi đây tỉa nữa, nhưng cũng không ai dám mang chậu cây này đi, cứ như sợ rằng ông nội sẽ giận. “Bình thường ông nội chỉ có thể ở nhà tổ, tỉa lá cây, đứng trong vườn nhìn vườn cây mà ông con chăm sóc. Từ khi gửi con ở chỗ ông nội, thì ngoài việc chăm cây, ông còn mong ngóng nhất là được gặp con.” “Con từ nhỏ đến lớn luôn rất nghe lời người lớn, ông nội càng muốn con theo nghề nhà giáo của gia đình hơn, lúc con còn nhỏ ông đã bắt đầu dạy con học chữ, đọc thơ, đọc sách. Con chính là sự kỳ vọng lớn nhất của ông nội, bởi vì ông nội nói, con là đứa học 1 biết 10, vô cùng thông minh. Nhưng không hiểu sao, càng lớn thì những thứ ông nội đã từng dạy, con lại quên hết.” Ba Trường thở dài: “Ông nội con là một giáo sư có danh tiếng, học rộng tài cao, những thứ ông nội dạy cho con đều là những gì tâm huyết nhất của đời mình, ông mong con có thể giống mình, trở thành một đứa nhỏ có tài, chỉ tiếc…” Trường Vĩ nghe ba Trường kể cũng bắt đầu nghi ngờ bản thân mình, tại sao, tại sao ông nội đã dạy cô nhiều như vậy, nhưng đọng lại trong đầu cô chỉ là những ký ức hai ông cháu cùng nhau tỉa lá cây, cùng nhau chơi đùa, hoặc là, những lần cô làm sai bị ông nội mắng. “Cả nhà cũng không hiểu vì lí do gì, càng lớn ký ức của con về lúc nhỏ càng mờ nhạt, chỉ nhớ là ở cùng ông nội, thân thiết với ông nội. Sau đó ông nội không nhắc đến chuyện này nữa, còn dặn trong nhà không được bắt ép con theo con đường mà con không thích, con phù hợp với cái gì thì cứ mặc con lựa chọn. Có lẽ ông thấy, con không nhớ là bởi vì con thật sự không phù hợp với nghề này. Ba và mẹ chỉ có một mình con là con gái, chúng ta rất muốn con đi theo nghề của gia đình, nhưng càng không thể cãi lời ông nội.” “Trước khi mất, ông nội để lại lời dặn dò như vậy, cũng là vì thương con. Nhà này, ngay cả ba cũng chưa từng thân với ông con như vậy.”
Free reading for new users
Scan code to download app
Facebookexpand_more
  • author-avatar
    Writer
  • chap_listContents
  • likeADD