CHƯƠNG 15: Ông nội

2305 Words
Trường Vĩ sau khi nói chuyện với ba của mình thì cứ ngồi lại nơi mà hai ông cháu trước kia thường hay ngồi lại nói chuyện. Thật sự là những ký ức lúc nhỏ của mình, Trường Vĩ không nhớ rõ lắm, năm ông nội mất, Trường Vĩ mới lên lớp 5. Người lớn hỏi cô lúc nhỏ ông nội dạy cô nhiều thứ như vậy, cô có thể đem ra cho mọi người xem không? Kết quả, Trường Vĩ không nhớ bất cứ thứ gì, cô không những không nhớ còn không nhận thức được rằng lúc nhỏ ông nội từng dạy cô đọc chữ. Cô cũng không biết nguyên nhân là gì, sau này người trong nhà cũng không nhắc lại chuyện này nữa. Ông nội mất không lâu, ba mẹ cô bắt đầu cho thuê căn nhà cũ, cùng gia đình bác hai dọn vào nhà tổ ở. Những ngày tháng đó, cô rất nhớ ông nội, thường tự mình ra tỉa mấy lá cây ông nội từng trồng, một cây cũng không bỏ. Lúc cô vào thành phố Nam Giang để học, rồi bắt đầu sự nghiệp của mình, cả nhà ở đây ai cũng đều thay nhau dọn dẹp phòng ốc của ông, cây cỏ ông từng trồng hằng ngày đều chăm sóc như vậy. Có lẽ, lí do lớn nhất mà họ hàng của cô không bắt ép cô đi theo nghề nhà giáo chính là vì ông nội. Ông nội biết cô không phù hợp với những thứ văn thư, chữ nghĩa, cho nên không muốn cô phải đi theo con đường mà mình không muốn. Nhìn thấy trên cái cây Tùng có vài lá vàng nhỏ, cô cầm lên cây kéo tỉa nó đi, ngắm nhìn cây Tùng ông nội thích nhất, khóe mắt cô cay cay, ông tự chủ được, nước mắt từ từ chảy xuống. Ông nội từng nói với cô, ông thích loài cây này, vì nó đại diện cho khí chất nam nhi, dù ở trong tiết trời giá rét khắc nghiệt, loài cây này vẫn vươn lên kiên cường. Nhưng ông nội quên mất, ngoài khí chất nam nhi, Tùng còn có một tầng ý nghĩa khác, nó còn đại diện cho sự nhớ thương người xưa, tổ tiên ông bà. Trường Vĩ rất nhớ ông nội, nhớ những hôm trời mưa, ông cho cô uống thử một một bình trà ấm, còn bỏ vào đó vài lát gừng, mùi trà hòa quyện mùi gừng khiến cho tiết trời ngày mưa lạnh lẽo cũng trở nên ấm áp. Cô hỏi ông nội, sao thơm như vậy ông lại không cho gừng vào trà để uống cho giống cô. Ông nói, thêm gừng vào trà là vì ông không muốn cô đến mùa lạnh bệnh viêm họng của cô lại nặng hơn, khi nào ba mẹ gửi cô qua đây, ông lại pha cho cô một bình trà gừng để uống, để khi nào đến mùa, nếu có mắc bệnh, cũng nhẹ hơn. Trường Vĩ từ nhỏ không thích xem hoạt hình, chỉ thích ngồi nghe ông nội kể chuyện, cô ngồi bên bệ cửa nhìn ông nội vừa tỉa lá cây vừa kể cho cô nghe đủ thứ chuyện trên đời. Cô nhớ rất rõ, ngày cuối cùng được gặp ông nội đó là một hôm khi tan học về nhà, ba mẹ dẫn cô qua nhà ông nội. Cô thấy lạ lắm, vì nếu có sang nhà ông nội chơi ba mẹ cũng phải bắt cô ăn cơm đầy đủ rồi mới cho đi. Hôm đó vẫn như vậy, ông nội râu tóc bạc phơ, cầm cây gậy ngồi dựa vào cái ghế cho người già được đặt ở sân vườn. Ông nội thấy Trường Vĩ thì ngoắc cô lại, nói, ông có để lại hai hộp trà gừng được làm sẵn ở trong bếp, một lát nữa đem về uống. Cô không hiểu, hỏi lại ông, hai hôm nữa là cuối tuần rồi, lúc đó ông nội pha cho cô uống là được mà. Trong vườn lúc đó có đầy đủ họ hàng, ai nghe thấy cô hỏi xong cũng quay mặt đi lẳng lặng khóc, cô vẫn không biết gì cả, đến lúc cuối vẫn không biết gì. Ông nội xoa đầu cô bảo, uống xong hai hộp đó, ông nội lại làm tiếp cho cô uống, lúc này Trường Vĩ mới vui vẻ gật đầu chạy vào trong lấy hai hộp trà gừng mang về. Qua hai hôm sau, như thường lệ cô vẫn sẽ sang nhà ông nội chơi, nghe ông nội kể chuyện, nhìn ông nội tỉa lá cây. Nhưng, ba cô lúc đó ôm cô vào lòng, bảo rằng, sau này không cần qua nữa, ông nội mất rồi. Ông nội, mất rồi. Một đứa nhóc lớp 5 thì cũng đã hiểu được nhân tình thế thái rồi, hiểu được ý nghĩa của từ mất là gì. Lúc ba mẹ cùng gia đình bác hai dọn vào nhà tổ, cô ở lỳ trong phòng ông nội hai ngày, cứ ngẩn ngơ ngồi ở bệ cửa, đợi ông nội xuất hiện kể chuyện cho cô nghe. Nhưng đợi làm sao được, cảnh còn người mất. Hai hộp trà gừng ông nội làm cho cô, cũng đã uống hết, sau này ba mẹ cũng làm cho cô uống nhưng Trường Vĩ không uống nữa, cô nói, không giống ông nội làm. Từ đó về sau, cô cũng không uống trà gừng nữa mà chỉ uống trà bình thường thôi, cho đến khi cô uống được trà Tĩnh An ở nhà của anh. Giống hương thơm mà ông nội từ làm, nhưng mùi thì cũng chẳng giống. Nhưng cô xem đó như một cái duyên, nên mới xin anh mấy hộp mang về. Ông nội không cho cô gặp ông lần cuối, vì sợ dáng vẻ của mình dọa đến đứa cháu nhỏ này. Dặn một lượt không được để cho cô biết là ông nội sắp ra đi. Vì vậy, ngày mà ông nội dặn cả nhà phải để cho cô tự do lựa chọn con đường của mình, cô không hề biết, cũng không một ai dám nói cho cô nghe. Trường Vĩ đi vào gian bếp đó, nhớ lại dáng vẻ ông nội từng ngồi xổm ở đó xào lá trà, cắt từng miếng gừng, cô không nhịn được nữa, trực tiếp ôm mặt khụy gối khóc nứa nở. Gian nhà to như vậy, tiếng khóc của cô cũng không che lấp nổi khoảng không trống trãi này. Dù gian nhà này hiện tại đã có đông người hơn, đã có tiếng cười tiếng nói, nhưng thiếu ông nội, như thiếu đi mảnh ký ức tuổi thơ đẹp đẽ nhất trong cuộc đời cô. Ông nội thương cô, đến lúc nhắm mắt xuôi tay, vẫn nghĩ đến đứa cháu của mình. Ông một đời cống hiến cho ngành giáo dục, người cuối cùng ông dạy trên đời này chính là cô, chỉ tiếc, một chút ký ức cô cũng không còn nhớ nữa. Chiều hôm đó, khi ăn cơm không có mặt cô, bác hai thấy lạ, ba mẹ cô cũng không nói gì, cứ bảo một lát nữa cô ăn sau cũng được. Trường Vĩ mang đôi mắt đỏ hoe, sưng tẩy nằm dài trong phòng không muốn ra ngoài, trong nhà này, đi chỗ nào cũng là ký ức của cô về ông nội. Cô sợ không kiềm chế được, lại khóc. Lúc này điện thoại trên giường cô rung lên, lật lên thì là Lương Triều gọi điện đến, cô bắt máy: “A lô.” “Anh nhắn tin cho em cả một ngày, em chẳng trả lời tin nào.” Trường Vĩ giật mình, kiểm tra hộp thư đến thì thấy ba tin nhắn của Lương Triều từ lúc sáng đến giờ, nhìn đồng hồ thì đã 7h tối rồi. Cô áy náy: “Xin lỗi anh, em mãi lo nói chuyện với mọi người trong nhà, không để ý điện thoại nên không biết.” “Giọng của em sao vậy?” Vì khóc từ lúc chiều nên mũi của cô bị nghẹt, giọng nói cũng khàn khàn, cô vẫn chưa dám nói cho anh nghe, chỉ nói lúc chiều đùa giỡn với mấy đứa em nên bây giờ cổ họng hơi đau thôi. Lương Triều nghiêm nghị lại dặn dò cô một hồi. Thấy cô không nói gì nữa, anh hỏi: “Em có chuyện gì buồn sao?” “Không có gì, về nhà thì nhớ lại những chuyện lúc nhỏ ấy mà.” Trường Vĩ bước xuống giường, đi đến cửa sổ, mở ra vừa nghe tiếng gió thổi vừa nghe anh nói chuyện điện thoại: “Đôi lúc anh cũng nghĩ đến chuyện lúc nhỏ, nhưng bây giờ có hỏi anh, khi nhỏ ông từng dạy anh cái gì anh cũng không còn nhớ nữa.” Cô ngạc nhiên hỏi: “Anh cũng không nhớ sao?” “Lúc nhỏ ông nội dạy anh đều là những thứ thực dụng trong quân đội, người lớn được nghe còn chưa chắc đã nhớ nói gì một đứa nhỏ như anh. Lớn rồi, không để tâm nữa thì tự động những thứ không thích sẽ tự động bị chính mình đào thải thôi.” Trường Vĩ ngước lên nhìn bầu trời ban đêm đen kịt, lấp lánh chỉ có vài ngôi sao nhỏ xíu đáp: “Lúc còn nhỏ vì không hiểu chuyện mà làm rất nhiều chuyện ngốc nghếch, bây giờ nghĩ lại chỉ cảm thấy hối hận. Anh có từng thấy hối hận vì điều gì không?” “Anh từng nghe được một câu như này: ‘Sẽ có những lựa chọn khiến ta cảm thấy chưa ưng ý, nhưng điều đó không có nghĩa là ta sẽ chẳng làm được gì’1. Không quan trọng lựa chọn của em là gì, quan trọng là, em học được điều gì. Ông nội từng dạy anh, bất cứ điều gì đang diễn ra trong đời mình đều mang đến cho mình một bài học, cho nên, anh mong em đừng hối hận vì những gì mình từng làm.” Đúng vậy, cô không nên hối hận vì theo sự nghiệp diễn xuất này, đó là công việc yêu thích của cô, cũng là con đường tự do mà ông nội đã dọn sẵn cho mình, cô nên tự hào vì điều đó. Tự hào vì mình đang thành công, tự hào vì có một người ông yêu thương cô đến như thế. Cô nắm lấy bệ cửa sổ, thở ra: “Cảm ơn anh.” Cô và anh cứ như vậy, nói chuyện điện thoại đến tận khuya mới tắt máy. Ban đêm bụng đói cồn cào, Trường Vĩ xuống bếp lục lọi đồ ăn thì thấy mẹ cô đang ở dưới bếp nấu cái gì đó: “Mẹ nấu gì vậy?” Mẹ cô giật mình quay người lại: “Làm mẹ giật mình, mẹ hầm lại canh định đem vào phòng cho con, buổi chiều không ăn thì cũng phải uống miếng canh đi không đói làm sao mà ngủ?” Trường Vĩ cười, nói: “Mẹ để đó con làm.” Bát canh nóng hổi được bê ra bàn, cô xới thêm một chén cơm rồi ngồi ăn, mẹ cô ngồi một bên nhìn: “Chiều nay bác hai cứ hỏi phim của con khi nào thì chiếu, để hai bác còn đón xem. Mấy bộ phim trước hai bác coi chán lắm rồi mà hay quá nên cứ phải coi đi coi lại mấy lần.” “Khi nào phim chiếu, con gửi về cho nhà mình bản đầy đủ luôn khỏi phải đợi từng ngày.” “Xem phim phải đợi thì mới thích chứ, nhà có đứa con gái làm diễn viên thì phải ngắm hằng ngày, xem cả bộ một lèo vậy thì còn gì vui.” Trường Vĩ ngước lên nhìn mẹ mình, cô biết mẹ của cô muốn nói điều gì. Có lẽ, ban đầu đúng là mọi người ủng hộ cô chỉ vì lời dặn dò của ông nội, nhưng dần dần cũng chấp nhận điều này một cách thật lòng. Cả nhà cô, từ cô dì chú bác, anh chị em họ hàng đều rất thân thiết với nhau, có gì cần giúp đều giúp hết lòng. Mấy đứa nhỏ được ba mẹ cô xem như con ruột, cô cũng vậy, được mọi người yêu thương như con, thấy cô vui vẻ họ cũng vui theo. Cơm nước xong, Trường Vĩ lên giường đi ngủ, trước đó nhắn một tin cho anh chúc ngủ ngon. Vậy mà đêm đó, cô lại mơ thấy ông nội. Ông nội đứng tỉa lá cây, thấy cô khóc bù lu bù loa thì vội đặt cây kéo xuống chạy lại bế cô lên, hình như cô bị té rồi, rách một miếng da ở đầu gối. Ông nội cho cô ngồi lên ghế, sát trùng vết thương, thoa thuốc, rồi băng lại. Ông nội nói: “Sau này có té ngã thì cũng tự mình biết bôi thuốc, nghe chưa?” Giật mình tỉnh dậy, trời còn chưa sáng, gối của cô cũng ướt một mảng lớn. Có chăng ông nội lúc chiều biết cô khóc, nên đã vào trong mơ an ủi cô như vậy. Nhịn không được, cô úp mặt vào gối khóc đến mệt thì lại ngủ tiếp, lần này Trường Vĩ ngủ rất ngon. Chú thích: 1.      Một đoạn trích của Suga trong bài phát biểu của BTS về “Thế hệ trẻ trong thời đại COVID-19” Tại hội nghị “SDG MOMENT”, thuộc đại hội đồng LHQ lần thứ 76.
Free reading for new users
Scan code to download app
Facebookexpand_more
  • author-avatar
    Writer
  • chap_listContents
  • likeADD