“Cô ta thực sự không biết mệt mỏi hả? Sáng thức dậy sớm. Đi bộ cả mấy cây số bán hàng. Về nhà cũng chưa từng ngơi tay.
Vác đồ lên cầu thang, lộn đi lộn lại cả hai chục vòng chứ nào có ít. Mỗi lần vác cũng gần cả tạ. Dân bốc vác gặp cô ta mất mối làm ăn.
Dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn. Tính ra cô ta chỉ có chừng ba mươi phút để nghỉ ngơi. Không rõ mắt đã kịp đóng khép được chút nào hay không?
Người khó ngủ, cả tiếng đồng hồ còn trằn trọc chứ đừng nói ba mươi phút. Nhìn cô ta tôi lại thấy mình đã từng giới hạn bản thân không ít.
Bản thân tôi thời khỏe mạnh đỉnh điểm, không khuyết tật, cũng khó lòng bì kịp những gì cô ta đang làm. Bản thân cậu thì sao? Trần Long Quý hỏi thư ký Cẩm Xuân Phương của mình.
Dạ. Người nhỏ thó thường có sức lực dẻo dai hơn người có ngoại hình to béo. Họ có thể làm việc quần quật cả ngày lẫn đêm không biết mệt mỏi.
Ông bà em nói. Người làm chân tay, dù có mệt sống mệt chết, mệt không muốn nhấc chân tay nhưng đầu óc ít nghĩ ngợi, toan tính.
Hễ đặt lưng xuống, nhắm mắt một cái liền đi vào giấc ngủ. Có thể ngủ bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào. Chỉ cần họ muốn ngủ là có một giấc ngủ sâu ngon lành, không mộng mị.
Người không có mưu đồ toan tính làm việc xấu, đôi mắt sáng vằng vặc, không vẩn đục. Một vẻ đẹp thuần khiết, thánh thiện.
Được ở bên cạnh những người như thế này. Ta cũng bớt nóng nảy. Kiểu người này có một nhược điểm lớn.
Họ không thích hợp làm đối tượng yêu đương thời thanh niên, tuổi trẻ bồng bột, đầy nhiệt huyết, kích thích, mộng mơ, thích khoe mẽ, phô trương.
Nên họ cứ mãi ế. Chỉ có những ai muốn tìm một chốn đỗ bình yên để dừng chân những người này mới lọt vào tầm ngắm.
Vỏ bên ngoài có thể thô sơ nhưng nội tâm phong phú. Người nào vớ được người vợ như thế này không khác nào đào trúng được kho báu.
Dĩ nhiên, họ cũng yêu cầu không thấp với bạn đời. Không có sự vụng trộm, chấm mút sau lưng. Để họ phát hiện ra hành vi lừa dối.
Cánh cổng trái tim họ khép lại. Tuyệt đối không có cơ hội mở lần thứ hai với cùng một người. Người nhìn càng nhu mì, thực nữ, thậm chí có chút yếu đuối. Che đi “lưỡi dao sắc bén” cất chứa bên trong.
Mặt xấu là vậy. Mặt tốt thì tốt đến mức làm người khác ghen tị. Gia đình lúc nào cũng trong ấm ngoài êm. Cơm lành, canh ngọt.
Có một người vợ như thế này còn hơn cầm hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trong tay. Đời có quanh co khúc khuỷu, ra đường ăn xin, không còn lại cái gì, chắc chắn còn vợ.
Em cứ ngỡ, loại con gái này chỉ tồn tại trong sách vở, thơ ca, qua lời kể hình tượng hóa của ông bà. Toàn phóng đại, lừa gạt thế hệ sau.
Mà có có đi chăng nữa cũng chỉ là người phụ nữ xưa. Phụ thuộc hoàn toàn vào đàn ông. Chứ thời đại ngày nay, nam nữ bình đẳng, bình quyền.
Phụ nữ không chỉ làm nội trợ mà còn tham gia công tác xã hội. Đương nhiên phải thay đổi để bắt nhịp với cuộc sống hiện đại.
Dăm ba chuyện dọn dẹp, bếp núc trong nhà. Không làm cũng chẳng sao. Có tiền, chỉ cần gọi một cú thoại là có dịch vụ chăm sóc tận răng miệng.
Trước em thích những cô gái hiện đại nhưng gặp vợ sếp. Em nghĩ lại rồi. Em thích người vợ biết nóng biết lạnh. Hài hòa cân đối trong gia đình.
Thay vì kéo hội chị em đi làm đẹp, dành vài tiếng để chăm sóc tóc, da, mát -xa. Sẵn sàng xuống bếp vì chồng,vì con.
Nhà có vợ, bếp không thể nguội ngắt, lạnh tanh. Cơm vợ nấu có thể không ngon như cơm ngoài tiệm nhưng có hương vị gia đình mà hàng quán bán đại trà, chạy theo lợi nhuận, không thể mang lại.
Cậu không thấy lấy một cô vợ “nông dân”, chân đất, mắt toét, không học thức, không tài sản, gánh nặng trên vai nặng hơn vác cả hòn núi đủ mệt mỏi đi? Trần Long Quý hỏi.
Sếp ơi, bằng cấp thể hiện người ta có ăn có học tới đâu chứ đâu nói lên con người đó có đạo đức thế nào đâu ạ.
Em vẫn coi trọng người có đạo đức hơn người tài giỏi mà coi khinh tất cả. Người ta không trải qua trường lớp, đào tạo chính quy có nhiều nguyên nhân. Học cả một đời chứ nào đâu vài ba năm trên ghế nhà trường.
Đặng Dao Ngái đang cuốc đất ở trong vườn nếu biết chồng hờ cùng thư ký đánh giá cô cao như thế. Nhất định sẽ nói cho hai người biết.
Mấy người cứ thử sống cảnh nghèo nàn, bần cùng đi sẽ biết. Người nghèo không sợ mệt, người nghèo sợ không công ăn việc làm.
Mỗi ngày đều thấy tiền chảy ra khỏi túi trong khi không một đồng một cắc lọt vào, đáng sợ cỡ nào.
Đứng phát cây, cuốc đất mệt bở hơi tai. Lưng đau, đứng không nổi, chẳng lẽ không biết cách ngồi sển nhặt cỏ.
Đến khi cơ thể bớt mỏi nhức, tranh thủ đứng dậy cuốc tiếp. Việc của mình, thả đó, trông chờ ai được.
Vì miếng cơm manh áo ngày mai mà có động lực tiếp tục..
Trong vườn có mấy cây vạn tuế, cây tùng. Chồng không cho chất cỏ dưới gốc. Làm mất thẩm mỹ cảnh quan.
Đặng Dao Ngái lấy cuốc đập đập gốc cỏ tơi ra, cỏ cứ mặc kệ, đến khi nào khô héo, vơ vào bếp, nhóm lửa. Khi đó mới lên luống để trồng rau củ.
Hiện tại, cứ phơi đất vài ngày để diệt trừ các mầm bệnh, nấm mốc, ký sinh trùng nằm ẩn sâu trong lòng đất.
Nhìn đám cỏ xanh tốt, ngập mặt, non ròng lại thương đám trâu bò mùa lạnh. Muốn ăn được một cọng cỏ xanh cũng khó khăn.
_______o0o_____
Thấy chị gái ngưng cuốc đất. Dựng cuốc bên bờ tường bếp củi. “Chị đi đâu thế? cho em theo với.” Đặng Dao Nái ngồi tập viết chính tả ở sau nhà nói.
“Em luyện viết chữ xong rồi hả?”Đặng Dao Ngái hỏi em gái.
“Chưa xong chị. Tối em viết tiếp, không thì mai cũng chẳng sao. Bài tập làm thêm thôi mà. Bài tập trên trường em làm hết rồi.” Đặng Dao Nái phân trần.
Đặng Dao Ngái cực kỳ đau lòng đứa em gái. Một đứa nhỏ dù hiểu chuyện đến đâu đi chăng nữa, thay đổi môi trường sống đột ngột.
Cái gì cũng mới lạ, ngỡ ngàng lại không có người thân bên cạnh. Nhất định sẽ cảm thấy cực kỳ lạc lõng, bơ vơ, không có cảm giác an toàn.
Trong nhà có người ở nhưng không khí lúc nào cũng im ắng, lạnh lẽo, thiếu hơi người. Không rõ ông chồng làm cái gì mà cả ngày cứ nhốt mình trong phòng.
Hễ lượn ra ngoài, không bao giờ cho người khác sắc mặt tốt. Lúc nào cũng hầm hầm, lầm lầm lì lì chẳng khác gì hung thần ác sát. Cháu trai ruột còn chẳng muốn gần gũi, huống gì em gái là người dưng nước lã.
Nhà có đứa nhỏ chơi cùng cũng đỡ chán. Khổ cái con nhà có điều kiện, từ nhỏ đã học bù đầu, bù cổ, học không có thời gian ăn, ngủ.
Mới có lớp một. Học đánh vần, ghép chữ ê a. Toán cũng chưa cộng vượt qua một trăm. Chẳng rõ học gì mà học lắm thế. Thứ bảy, chủ nhật cũng học.
Thậm chí còn bận rộn hơn ngày đi học. Ngoài học những môn bắt buộc, toán, ngoại ngữ. Còn học thêm những môn năng khiếu, cần thiết cho việc giao tiếp, có lợi cho công việc sau này. Trống, kèn, đàn piano, khiêu vũ.
Chưa kể còn học đi học đứng. Học cách ứng xử, giao tiếp. Kể ra càng giàu càng khổ. Vì một tương lai tươi sáng, từ nhỏ đã đi trên con đường khổ hạnh, không được sống những phút giây như một đứa trẻ bình thường.
Những chuyện thần kinh chỉ có tuổi thơ mới làm như cởi truồng, tắm mưa, bắn bi, đánh khẳng, leo cây, chọc chó, bắt mèo…có biết chắc cũng chỉ xem qua những thước phim.
Mới sáng bảnh mắt ra đã phải theo huấn luyện viên luyện võ. Nâng cao sức khỏe, tính dẻo dai, linh hoạt. Xong xuôi đi tắm. Ăn sáng.
Tiếp tục học tới tận mười một giờ ba mươi. Chạy ra ăn cơm trưa. Ngủ đến một rưỡi. Lượn vòng vòng trong nhà ba mươi phút, tiếp tục học. Học cho khờ khạo, ngốc nghếch. Gặp người không có phản ứng.
Con bé Đặng Dao Nái cũng học lớp một. Học trên trường được gì hay nấy, về nhà có bài tập cô giao tự động làm.
Không ai có thời gian kèm kẹp từng bước từng li từng tí. Người lớn trong nhà đều bận công việc, bận kiếm cơm.
Nhìn cháu người ta được chăm chút tận chân răng kẽ tóc, nhìn lại em gái mình không khỏi chạnh lòng. Thôi, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh.
“Sáng mai, em dậy sớm theo chị đi bán xôi. Ở nhà chán chết lên được.” Đặng Dao Nái nói.
Cái này khó à nha. Giờ đó em còn đang ngủ. Con nít phải ngủ nhiều mới lớn lên khỏe mạnh, không là sau không cao lên nổi.” Đặng Dao Ngái dọa em gái.
“Lùn có gì mà sợ. Vô tích sự mới đáng sợ.” Đặng Dao Nái nói.
Đặng Dao Ngái đã quen với cách nói của em gái, lúc nào cũng đầy triết lý. Nhưng cô vẫn luôn thắc mắc không thôi, cùng môi trường lớn lên. Sợi dây thần kinh nào của em gái đột biến, khác người để sinh ra những suy nghĩ chẳng giống ai.