chương 2: Làm tại nhà họ Hồ

1816 Words
Bà ta nhớ đến những lời thầy Tư nói vào ba tháng trước. Thầy ấy nói về đứa con này của bà. Thằng Khôi Vĩ nó vốn chẳng còn sống, đứa trẻ đang sống là một vong hồn khác. Lúc đó bà cảm tưởng trời đất sụp đổ, đau khổ mà không tin những gì thầy Tư nói. Bà ta cũng không đem điều này nói với bất cứ ai.  Ngày ngày quan sát Khôi Vĩ, rồi từ từ bà phát hiện con bà có quá nhiều thay đổi so với lúc trước. Vốn dĩ tính con bà đã trầm tĩnh ít nói, nhưng tâm hồn của nó vẫn ngây thơ. Bà cảm nhận được sự non nớt trẻ con trong nó. Nhưng Khôi Vĩ của hiện tại lại khác, vẻ trầm lặng của nó khiến bà cảm tưởng như đã ngoài hai lăm, dù rằng bây giờ nó mới chỉ mười lăm tuổi.  Đỉnh điểm là khi bà phát hiện con bà biết đọc chữ, điều mà từ trước đến nay nó đều chưa được học. Ông Hùng không cho nó học, ông ấy bắt nó dốt. Thế mà sau khi tỉnh dậy, nó không thầy lại tự thông. Khoảng khắc đó bà Mai chính thức quỵ ngã, vừa hoảng sợ vừa đớn đau nhìn đứa trẻ kia. Mất một đêm để bà tiếp nhận sự thật rằng con bà đã chết, Khôi Vĩ của bây giờ là một hồn ma vô tình chiếm được lấy cái thân xác này. Đáng ra bà phải xua đuổi và sợ hãi, nhưng nhìn bóng dáng con mình an tĩnh làm việc thì tình mẫu tử trong bà lại nổi dậy. Thế là bà coi đứa trẻ đó thành con của mình mà yêu thương. Chung sống suốt ba tháng, tình cảm ngày một nhiều. Nay lại tiễn nó đi xa, bà Mai thật tâm không nỡ. Ba tháng trước bà mất đi đứa con ruột, ba tháng sau bà lại phải chia xa đứa con nuôi. Người làm mẹ như bà cảm tưởng trái tim sắp chẳng thể trụ nổi. Khôi Vĩ đang xuôi theo con nước, theo tầm mắt anh thì có lẽ đã đi rất xa Ngã Năm rồi. Nhìn nhà cửa trên bờ anh nghĩ có lẽ là đã đến Sóc Trăng. Một quãng đường này anh đi từ canh ba mà giờ trời đã sáng. Tấm lưng của anh cũng mệt mỏi theo, tay anh khua mái chèo tính đi gần đến bờ mà cập lại. Bỗng chốc phía trên kia như có chuyện gì đó hỗn loạn. Anh chỉ thấy một đám đàn ông to lớn rượt theo một đứa nhóc mà chạy. Đứa trẻ đó lo nhìn phía sau, chân liệt trẹo mà ngã ngay xuống sông. Khôi Vĩ vừa thấy nó ngã, cũng tức khắc phóng xuống mà vớt lên. Đám người kia cũng lần lượt lao theo, đến khi đưa được đứa trẻ lên bờ thì mặt ai cũng tím tái hoảng sợ. Khôi Vĩ nghe mọi người gọi thằng nhóc đó là cậu hai.  Vì Khôi Vĩ có ơn cứu mạng, mà họ đưa anh về nhà của thằng nhóc này trả ơn. Bước đến đây thì anh bị choáng ngợp bởi căn nhà to lớn, giàu có trước mặt. Toàn bộ là tường, trong nhà còn có cả xe bốn bánh. Anh nghe một trong đám người kia bảo, đây là nhà của ông Phước, người nơi đây gọi ông ấy là bá hộ Hồ. Nhà ông ta giàu có nhất cái vùng này, ruộng đất mênh mông gia tài cũng đồ sộ. Ông ta có ba người con, hai người con trai là Hồ Tùng và Hồ Nam. Còn người còn lại là tiểu thư Ngọc Diệp.  Ông Phước ngồi trên ghế gỗ vẻ mặt nghiêm nghị nhìn chằm chằm Khôi Vĩ, nhóm người ban nãy dí theo Hồ Nam đã bị kéo ra ngoài sân mà phạt đánh. Anh ở trong này nghe từng tiếng bịch bịch đầy đau đớn ngoài kia mà bất giác khẽ run. Đầu không dám ngước nhìn vị gia chủ trong nhà này. Mãi một lúc sau thì ông Phước mới điềm nhiên lên tiếng, giọng ông trầm đục lại nghe ra rất có uy lực. “Cám ơn anh đã cứu nó, nói đi anh cần hậu tạ gì?” “Dạ thưa ông, tui không cần hậu tạ. Chỉ tiện tay giúp đỡ.” Khôi Vĩ tức khắc trả lời, khéo léo từ chối.  Mắt ông ta vẫn không rời khỏi Khôi Vĩ, mí mắt còn nhướng lên, vẻ mặt như hài lòng về câu trả lời này. Ông ta nâng chung trà, uống một hớp cho nhuận giọng rồi nói tiếp. “Anh mới tới đây sao? Tôi chưa thấy anh bao giờ.” “Thưa ông, tui từ Ngã Năm lên.” Khôi Vĩ hơi ngẩng đầu nhìn bá hộ. Vẻ mặt và lời nói đều thể hiện sự kính cẩn. Thái độ và cách hành xử của Khôi Vĩ xem ra rất hợp ý của bá hộ Hồ. Ngưng một chút ông lại lên tiếng.  “Lên tìm việc có đúng không? Nếu mà tìm việc thì ở lại đây làm. Coi như tôi trả cái ơn cho anh.” Bởi ông đã thấy quá nhiều dân từ dưới đó lên đây để kiếm sống. Họ còn đang làm ruộng dưới điền trang của ông cơ mà. Nhìn đứa trẻ này cũng có chút lanh lợi, mặt mũi tính ra cũng coi là được. Để làm gia đinh trong nhà thì cũng tốt. Nói xong cũng chẳng nán lại mà đội mũ đi ra ngoài. Để lại Khôi Vĩ ngơ ngác nhìn sau đó gật đầu cám ơn liên tục. Cứ vậy mà Khôi Vĩ bước vào nhà họ Hồ làm công, công việc anh làm cũng không khác mấy khi còn ở nhà. Gánh nước, chẻ củi, làm việc những việc lặt vặt. Những người làm chung ai nấy cũng đều rất dễ mến, thấy anh là người mới cũng tận tâm chỉ dẫn. Chẳng mấy chốc Khôi Vĩ đã làm ở đây hơn hai tháng. Suốt hai tháng này anh coi như hiểu gần rõ từng người trong nhà.  Anh được biết ông Hồ có tận ba người vợ. Trong đó người vợ cả đã sinh cho ông một đứa con trai, nhưng anh ta không có ở đây, nghe đâu mấy năm trước đã bỏ sang Pháp. Còn bà cả thì đã mất khi anh ta lên năm. Người vợ sau của ông là Thị Lành, bà ta là con một tá điền, nhưng trời sinh có gương mặt đằm thắm. Nhờ đó mà lọt vào mắt xanh của ông Phước, sau một năm ngày bà Cả mất thì ông ta rước Thị Lành về. Hai năm sau đó thì cho ra đời đứa một tiểu thiên kim. Còn người vợ ba của ông ta là người trẻ nhất, bà ấy tên Thúy Liễu, gả vào nhà họ Hồ khi chỉ mới mười tám tuổi, nhưng lúc đó con trai cả của ông đã mười lăm tuổi. Tính tới hiện tại thì người được cưng chiều nhất cái nhà cũng chỉ có mỗi bà ba mà thôi, bởi bà ta đã sinh cho ông Phước một thằng con trai kháu khỉnh, năm nay vừa tròn mười một tuổi, cũng chính là đứa trẻ khi đó mà Khôi Vĩ cứu lấy.  Người làm chung hay dặn Khôi Vĩ rằng tính bà ba rất thất thường, thường xuyên có kẻ làm bị đánh một cách vô lí. Cho nên dặn anh luôn phải biết né bà ra, đừng chọc bà giận. Khôi Vĩ nghe theo chưa bao giờ dám xuất hiện trước mặt bà ba. Anh ta cứ lầm lũi nơi sau bếp và chuồng gà, chuồng vịt.  Cho đến hôm nay trên dưới trong biệt phủ phải hết mực chỉnh chu, nghe đâu đón tiếp cậu cả trở về. Khôi Vĩ cũng vì vậy mà bị đẩy ra ngoài sảnh quét dọn, ở đây anh mới tận mắt nhìn thấy hai người vợ kia trong như thế nào.  Bà Ba có lẽ là người ngồi ghế bên trái, bởi gương mặt bà còn quá trẻ. Từ đường nét đến vóc dáng vẫn vô cùng xinh đẹp, gương mặt trái xoan, môi mỏng, chân mày lá liễu. Khôi Vĩ nhìn cũng liền hiểu vì sao bá hộ Hồ phải lấy bà khi tuổi đã qua tứ tuần. Còn bà Hai thì ngồi bên tay phải, bà lớn tuổi hơn bà Ba rất nhiều. Tuy nhiên do bảo dưỡng kĩ mà không thấy có quá nhiều dấu hiệu của năm tháng.  Khôi Vĩ thu hồi tầm mắt, chuyên tâm quét dọn, một lúc sau anh thấy xe của bá hộ Hồ chạy vào sân, theo sau là một chiếc xe nữa.  Xe dừng lại, từ trên đó bước xuống một người đàn ông bảnh bao. Anh ta mặc vest, mặt mày nghiêm nghị gần giống với ông Phước. Sóng mũi rất cao, chân mày lại rậm. Trên đôi mắt còn đeo một cái gọng kính màu vàng. Toàn thân từ trên đến dưới đều toát ra vẻ thiếu gia nhà lắm tiền. Đây chính là Hồ Tùng, cậu cả của nhà họ Hồ.  Tùng về thì mọi người trong nhà cũng trở nên căng thẳng. Vĩ hỏi một xíu liền biết người cậu cả này rất khó tính, mặc dù tính cách ban đầu của cậu ấy chẳng phải thế này. Nghe đâu tính khí cậu lúc trước rất ôn hòa, dù rất ít nói, không ỷ bản thân học cao, con nhà khá giả mà ăn hiếp kẻ làm. Nhưng năm năm trước đây Hồ Tùng lại biến đổi, có một sự việc đã xảy ra khiến cậu cả trở nên điên loạn. Vĩ nghe dì Tràm nói nhỏ, cảnh tượng ngày hôm đó cậu ta cầm dao xông tới ông Hồ chất vấn, sau đó phát điên mà ghim một nhát dao sâu vào bản thân. Suốt một khoảng thời gian khá dài Hồ Tùng cứ trốn mãi trong phòng, kẻ hầu người hạ liên tiếp bị trút giận. Anh đã tưởng tượng thử dưới vẻ mặt trầm tĩnh kia của cậu cả, khi tức giận như lời miêu tả của dì Tràm sẽ ra làm sao. Nhưng nghĩ mãi anh cũng không tưởng nổi. Bởi ấn tượng của anh dành cho Hồ Tùng rất tốt. Gương mặt vô cảm nhưng lại phủ đầy phong trần. Khôi Vĩ nhìn người kia mà bản thân lại có chút cảm giác khác lạ. Tựa như quen thuốc, lại giống như ngưỡng mộ. Khí chất của người có học và dân quê khác vô cùng. Loại thần thái trí thức kia chính là thứ mà Khôi Vĩ muốn có, cũng đang cực lực để đạt được. 
Free reading for new users
Scan code to download app
Facebookexpand_more
  • author-avatar
    Writer
  • chap_listContents
  • likeADD