Chương 3: Chiều hôm ấy, chúng mình bị chó đuổi

2380 Words
Cả buổi chiều, Thùy ngồi giữa đống ngổn ngang bút màu, keo, giấy và que tre, hí hoáy làm một con diều có ba cái râu gắn ở ba góc. Nó cũng muốn chạy qua nhà Phong rồi hai đứa cùng làm. Nhưng bố mẹ nó đã có quy định cho cuối tuần rằng nó được đi chơi thoải mái trừ chiều thứ bảy và tối chủ nhật, thế nhưng nó đóng cửa ở trên phòng, làm gì thì chỉ có nó biết. Nó trang trí cho con diều bằng những hình vẽ trông như một con nòng nọc khổng lồ cùng hai con nòng nọc con ở hai bên, cùng những vật thể không xác định lơ lửng trong không trung. Lục lọi khắp nhà, cuối cùng nó cũng kiếm được cuộn dây chỉ bì xi măng to bằng nắm tay. 5 giờ chiều, nó chạy bình bịch xuống cầu thang, háo hức muốn khoe kiệt tác nó hì hục làm cả buổi cho Phong chiêm ngưỡng tài năng hội họa theo trường phái “siêu thực" đặc biệt của nó. Nhóc Yến đang chơi cờ tướng với bé Lâm, em gái thằng Phong. Hai đứa cách nhau 2 tuổi, bé Lâm lớn hơn, tuy thế nhưng hai đứa chơi với nhau rất hợp. Thùy dừng lại suy nghĩ một hồi, đang là lượt của bé Lâm và đang rơi vào thế bí. Tất nhiên khả năng chơi cờ của Thùy cao siêu hơn hai đứa nhóc vắt mũi chưa sạch rồi, với cả chơi cờ với nhóc Yến bao năm nay, nó biết thừa cái "bài" mà con nhóc hay dùng. Cái tay tinh nghịch của Thùy từ từ tiến lại gần bàn cờ, cầm quân mã đen của Lâm đi một đường chéo hình chữ nhật. - Lên mã, bắt xe. Không có con xe "kì đà" giúp bé Lâm tha hồ tung hoành trên địa bàn của đối thủ mặc dù hy sinh con mã cuối cùng thì cũng lo thật và cuối cùng là chiếu tướng, hết cờ. Bé Lâm thoát khỏi thế bí thì vui lắm, hớn hở reo: - A ha! Nhóc Yến bị phá bĩnh thì không chịu liền dãy nảy lên: - Ứ chịu, chị Thùy ăn gian, chơi lại. Thùy cũng không vừa: - Các cụ dạy “thương cho roi cho vọt”, tao không vọt được mày thì tao chỉ cho mày tiến bộ. Có mỗi một thế đi đi lại lại, thế mà gọi là chơi cờ à. - Ứ ừ, chị Thùy ra chỗ khác đi, em méc mẹ. Nó mà mách mẹ thì mình đúng cũng thành sai, đằng này lại còn sai lè ra nữa nên Thùy vội chuồn trước khi đón nhận cơn giông đầy sấm chớp của mẹ. - Hứ, tao không đôi co với mày nữa, tao đi chơi. Cuối cùng hai nhóc chơi lại ván mới. *** Con diều của Phong đơn giản chỉ là tờ báo cắt ra thôi, nhưng còn của Thùy thì… Phong cầm con diều của Thùy lên ngắm nghía, xoay ngang xoay dọc, lật lên lật xuống, thậm chí còn ngửi ngửi, nhưng dù có thế nào thì cậu vẫn không nhìn ra nó vẽ cái gì. - Ba con sâu đột biến với cái đầu khổng lồ và đang say rượu?? Nó làm bộ thở dài. - Hầy, sao tao cứ phải giải thích những điều quá đỗi rõ ràng thế nhỉ. Ở giữa là con ma say rượu Casper, hai bên là tao với mày 100 năm sau, cả 3 đang lên bar. Tao còn vẽ quả cầu disco ở phía trên nè. Phong cười một cách nhăn nhó. - Mang đi đấu giá chắc được vài chục tỷ đô la do ngân hàng trung ương địa phủ phát hành á. - Tao có hai chiếc dép và tao không phiền tặng cho cái bản mặt khó ưa của mày một chiếc đâu. - Iem xin lỗi. *** Trời thu trong xanh cao vời vợi, gió chiều lồng lộng thổi mát rượi, đưa những cánh diều đủ màu sắc bay lên cao vút. Có những con diều hình chim phượng mua ngoài chợ sặc sỡ sắc màu cùng sự gia công tinh xảo, có con thì chỉ là một trang giấy xé vội từ một quyển vở học sinh hay tờ báo nào đó, và tất nhiên cũng có những "kiệt tác nghệ thuật" theo trường phái “vẽ mà không phải vẽ” như của Thùy, cùng nhau chao liệng lướt đi trong gió. Phong và Thùy nhìn theo cánh diều bay trên cao, tận hưởng cảm giác thư thái yên bình này. Mặt trời đã biến mất hoàn toàn sau dãy núi phía xa, đàn vịt lạch bạch nối đuôi nhau đi về chuồng, láo nháo ồn ào cả một góc trời, và cũng là báo hiệu cho hai đứa nó biết đã đến lúc phải về nhà. Sau một hồi bàn tán, chúng nó quyết định đi đường vòng để đổi gió một chút. Con đường dài ngoằn ngoèo nằm dọc con mương nhỏ, gió từ đồng thổi vào mang theo mùi cỏ cùng thoang thoảng mùi bùn trộn phân của những cái ao chăn vịt. - Làm siêu nhân thích thật. Được bay khắp nơi, chả tốn tiền xe cộ. Đã vậy lại còn có nhiều fan với cả nhiều tiền nữa chứ. Tao cũng muốn làm ... - Làm siêu nhân phi thẳng xuống cống giống hôm trước á? Rồi cậu phá lên cười khoái chí rồi chạy lẹ trước khi bị nó tung cho mấy cước vào mặt, còn nó thì giận tím người khi trong đầu phải hồi tưởng lại cái hình ảnh người nó dính đầy cái thứ chất thải màu đen hôi rình mà cái hôm nó nổi hứng làm siêu nhân “bay bay” và rồi nhảy tùm xuống cái cống to to bên cạnh nhà con Linh ở cuối làng, trên đường đi về ai cũng nhìn chằm chằm rồi xì xào bàn tán, chưa kể mấy con chó vô duyên thấy nó lại khịt khịt mũi rồi sủa ầm lên như đuổi tà khiến nó thẹn đỏ mặt. - Mày đứng lại đó … Nó vừa hét vừa đuổi theo Phong. Đây là con đường mà bất kể tên trộm nào cũng muốn tránh, hễ người đi đến đâu là chó thi nhau sủa đến đấy. Tội nghiệp chúng nó! Có lẽ phải sống ở vùng "ngoại ô" của làng khiến chúng ngày ngày chỉ biết làm bạn với mấy con vịt nên đâm ra thiếu hơi người, thanh thử ra cứ thấy bóng người là chúng thi nhau ra "mời bạn vào nhà mình chơi" nhưng khổ nỗi, phận làm chó mà, nào có biết tiếng người nên cái sự nhiệt tình mời gọi ấy lại vô tình khiến người ta sợ mà né chúng. Tuy nhiên, có một căn nhà tường vàng, cổng xanh và có cái ao con con nuôi hai con “Cerberus*" cũng vàng chả kém gì bức tường. Với một niềm đam mê cắn người và răm rắp tuân theo lời dặn phải giữ nhà của chủ, nên cứ hễ thấy có người nào đi qua là chúng đều coi như kẻ trộm mà lao ra cắn. Nhưng chủ nhà chả bao giờ khóa cổng cả. Bực chủ nhà! Hai đưa nó thản nhiên chạy qua căn nhà mà "ai cũng biết là căn nhà nào rồi đó” và thế là hai con chó nhiều chuyện bên trong cũng hóng hớt chạy ra “góp vui”. Thùy đuổi Phong, hai con chó đuổi theo hai người. Trên con đường nhỏ, người và chó xếp thành hàng dài trông chả khác gì đang chơi trò “Tu tu xình xịch”. Bầu không khí ảm đạm đầy mệt mỏi của buổi xế chiều trở nên rộn ràng hơn với những tiếng “AAAAA” và tiếng “GÂU! GÂU! GÂU!”. Cơ thể Thùy như có một luồng điện chạy xoẹt từ đại não chạy dọc sống lưng rồi lan tới tứ chi, tạo ra một nguồn năng lượng vô hình mạnh mẽ kích thích các bó cơ của Thùy giúp nó thậm chí còn chạy nhanh hơn cả Phong. - Đừng có chạy! Đừng có chạy! À vâng, khôn như ông quê tôi xích đầy. Dừng lại để làm mồi cho ông chạy thoát hả? Phong hét lớn nhưng lời của cậu không lọt nổi vào tai Thùy. Bị chó đuổi thì ai đủ can đảm mà dừng lại chứ. Miệng thì khuyên vậy nhưng Phong cũng vắt chân lên cổ chạy như bay, nhanh có kém gì đâu. Từ nhỏ tới lớn, cậu đã từng bị chó cắn tới 6 lần và cậu cũng chẳng vui vẻ gì khi tự phá kỉ lục đó của chính mình cả. Thùy trong lúc sợ hãi chẳng nghĩ được gì nhiều, nó ném con diều đang cầm trên tay vào hai con chó, mong chúng chuyển sự chú ý nhưng vô ích. Con diều tội nghiệp liệng một đường vào đầu một con chó rồi bị hất văng xuống con mương bên cạnh chìm nghỉm. Phong cũng bắt chước theo và con diều của cậu cũng chịu chung số phận. Trong đầu nó thoáng hiện ra cảnh bị hai con chó cắn vào bắp chân, cơn đau lan tỏa khắp cơ thể khiến nó phải nằm vật ra đường khóc vì đau, nước mắt nước mũi tèm lem khắp mặt. Nó còn cảm thấy rờn rợn nơi bắp chân như thể nó đã sẵn sàng bị cắn rồi. Nó ngoái đầu lại nhìn ra đằng sau. Đôi mắt long lên sòng sọc, chúng nhe đôi hàm răng sắc nhọn trắng muốt ra, khóe miệng còn dính nước dãi. Nhìn thấy “thần thái” dữ tợn của hai ông tướng phía sau càng khiến Thùy co giò chạy nhanh hơn. Có vẻ như giờ đây đối với chúng, mục đích sống duy nhất là cắn được hai người trước mặt một miếng cho biết mùi vị mấy kẻ to gan lớn mật dám lượn lờ định ăn trộm trước cửa nhà chúng này như thế nào. Dù hai bên đường xếp hàng dài những miếng bít-tết thơm ngon ngầy ngậy mời gọi thì chúng cũng coi như miếng thịt ôi người ta vứt trên đường mà thôi. Điều đó càng khiến Thùy co giò chạy nhanh hơn. Bên phía bên kia bờ mương, đám con nít nhìn thấy hai người bị chó đuổi thì khoái lắm, chúng được tràng cười đau cả bụng, còn phấn khích cổ vũ cho hai “cậu Vàng” đang đuổi theo sau. Những người lớn trong nhà hiếu kì nhìn ra hướng tiếng hét, tặc lưỡi cười, có hai đứa nó khuấy động con xóm nhỏ giúp họ cảm thấy giải trí hơn sau một ngày lao động cực nhọc. Cả hai chạy rẽ vào một con đường dẫn ra đình làng. Đuổi một hồi mệt quá nên hai con chó bỏ cuộc, lủi thủi ra về. Lêu lêu hai con chó thiếu nghị lực! Lúc này hai đứa nó mới dừng lại thở hồng hộc, từng thớ cơ trong người như đang bốc cháy, đôi chân còn run run vẫn chưa kịp hoàn hồn. Phong vừa thở vừa nói, hai tay chống lên đầu gối: - Tao đã bảo bà … đừng có chạy mà … hộc … hộc … Thùy ngẩng mặt hướng lên trời, lưng và đầu tựa vào tường. Nó cố gắng hít lấy hít để nguồn oxi quý báu, lồng ngực nở ra rồi co lại liên hồi. - Mày khùng hả? ... Không chạy để nó cắn cho hả? ... Mấy con quỷ đó thích nhất là cắn người mà … Sao cái nhà đó không đóng cổng lại nhỉ? Bực cả mình! Lần nào cũng như lần nào. Vừa hay lão Hai trong nhà dắt xe đạp ra, nhìn hai đứa nó rồi nhăn nhở cười trêu trọc: - Chừa chưa? Lần sau thì hết chọc chó nhá. Thùy vội thanh minh: - Cháu có chọc nó đâu, nó tự ra đuổi đấy chứ. - Vâng, cô là nhất. Dặn bố tối nay “chỗ cũ” nhé. Rồi lão đạp xe đi, cái dáng gầy còm nhảy cà nhắc trên con đường gồ ghề. Lão Hai là một gã đàn ông luống tuổi râu ria lún phún sợi trắng sợi đen, mái tóc hoa tiêu, thân hình thấp bé chỉ cao hơn Thùy nửa cái đầu. Do ung thư phổi và nghiện rượu mà trông lão gầy gò chỉ còn một nhúm da đen sạm đầy đồi mồi bọc lấy xương. Nhìn lão không khỏi khiến người ta hồi tưởng lại những kí ức đầy đau thương của năm 1945 vậy. Vẫn cái bộ dạng lôi thôi như thường ngày, bộ quần áo kaki màu xanh bộ đội được sắn hết ống tay ống chân lên, cọc cạch mỗi bên không đều nhau, đôi dép xỏ ngón dày cộp màu vàng thẫm, trên dây dép dính đầy đất bẩn đen ngòm làm lộ ra đôi bàn chân thô ráp với những chiếc móng vừa cứng vừa bẩn thò ra trông như móng vuốt của thú săn mồi, trong chiếc giỏ xe lạc quẻ màu trắng được lấy từ một chiếc xe đạp con gái nào đó lắp vào, trỏng trơ chiếc chai thủy tinh rỗng. - Chậc, cá chắc là lão xách xe đi mua rượu. Rượu chè cờ bạc, mình lão ôm hết. Đang mệt còn gặp lão dở hơi khiến Thùy bực bội trong người, chỉ muốn tìm cái gì đó làm bao cát để đấm "vài cái". “Bà La Sát này mà nổi giận thì án mạng như chơi”. Nghĩ bụng, Phong lục túi quần, may sao còn sót vài đồng mà cậu để quên. - Ra quán bà Tám mua kem đi, tao mang tiền nè. Rồi hai đứa đến ngã tư đình, nơi quán tạp hóa bà Tám tọa lạc. *Cerberus: con chó ba đầu canh giữ cổng địa ngục trong thần thoại Hy Lạp, rất hung dữ.
Free reading for new users
Scan code to download app
Facebookexpand_more
  • author-avatar
    Writer
  • chap_listContents
  • likeADD