Chương 2: Công việc bán đồ nhựa

1658 Words
Đến tầm trưa thì bố và anh hai không hẹn mà cùng gặp nhau ở trước cửa nhà. Anh hai vì làm trong cùng thành phố, công ty lại cách nhà không quá xa cho nên buổi trưa sẽ về nhà ăn cơm cho đỡ tốn phí. Còn bố thì sáng nay qua nhà bạn chơi, bây giờ mới về.  “Em về khi nào đấy?” “Con về khi nào đấy?” Hai người đồng loạt lên tiếng hỏi. Họ đều bất ngờ trước sự xuất hiện của An Bình, chẳng phải nó bảo là mùa hè này sẽ không về sao. Mới ngày hôm qua, mẹ Bình vẫn chưa thôi rầu. An Nguyên từ dưới bếp đi lên, cô chậc lưỡi lưỡi vài cái, sau đấy lại tiếp tục đưa miếng táo vào miệng. “Lúc nãy em và mẹ cũng bất ngờ cả đấy.” Mẹ Bình từ dưới bếp bưng dĩa thịt kho để lên trên bàn ăn, tay nhéo cô một cái. “Đừng ăn táo nữa, để bụng ăn cơm con.” Con bé này cứ thích ăn vặt trước giờ cơm mà thôi. Vì lâu lắm anh ba mới về, trên bàn ăn mọi người nói chuyện rất rôm rả, tiếng cười đùa vang lên thật náo nhiệt. Bỗng dưng An Nguyên lại thở dài một cái. “Sao vậy con?” Bố cô hỏi. “Thì con trai cưng của mẹ về rồi cho nên mẹ đâu có thèm quan tâm tới con nữa.” Mọi khi món thịt kho kia đều sẽ được mẹ gắp cho cô. Nay nó lại nằm tuốt ở bên phía anh ba, tất cả đều được anh ba gắp hết. Còn cô thì ngồi ở phía tận bên này, thật khó để có thể nhướng người qua. Nghe con gái buông lời trách móc, mẹ Bình cốc cái đầu cô một cái. “Đây, đây, tôi bỏ cho cô hết được chưa?” Nói rồi mẹ Bình bỏ vào chén cô mấy cục thịt kho cỡ bự.  Lúc này thì An Nguyên mới vừa ý, cô cười hì hì. Anh hai, anh ba chỉ biết lắc đầu cười trừ, cô em này quả luôn là tâm điểm, luôn tìm cách gây sự chú ý với mọi người. Người ta nói trời đánh còn tránh miếng ăn, thế mà bố cô đột nhiên lại đề cập tới việc học ngay trên bàn ăn khiến cho An Nguyên đang hí hửng cũng cảm thấy mất hứng. “Này, hai đứa con mà làm tư tưởng em con nên học trường nào thì tốt.” Từ khi nhận giấy báo trúng tuyển cho tới bây giờ, đã hơn nửa tháng trôi qua, An Nguyên vẫn chưa có một câu trả lời chắc chắn về việc học trường nào. Thân làm bố mẹ, ông cũng không thể nào ép hay quyết định thay con được mà đợi chờ con bé đưa ra ý kiến thì lại sốt ruột trong khi đó ngày nhập học thì gần kề.  “Chuyện này con bé thích học trường nào thì học trường đấy thôi bố.” Anh ba An Bình lên tiếng. “Chúng ta mà biết con bé thích trường nào thì tốt rồi, đâu phải nhờ tới hai đứa.” Mẹ Bình lên tiếng. Thú thực, bà cũng là giáo viên, bà hiểu rằng học tập thì nên họ ở môi trường tốt nhất như thế mới bảo đảm được. Nhưng mà, bà lại không dám can vào quyết định của con bé. Nhà này có cái hay rằng từ nhỏ bố mẹ đã huấn luyện cho ba anh em bọn họ phải tự mình đưa ra quyết định trong những tình huống nhất định. Nhờ thế mà hai đứa con trai đầu mới có thể quyết đoán và tự lập như ngày hôm nay. Ngặt nỗi chỉ có mỗi cô út, bao năm vẫn không thể giống như hai anh được. Cứ theo kiểu thích gì là làm nấy thôi.  “Được rồi, được rồi, sáng mai con sẽ cho mọi người câu trả lời.” An Nguyên cảm thấy mệt mỏi khi mà vấn đề của mình ngày nào cũng được đưa lên bàn cơm. Không phải là vì cô chưa đưa ra quyết định, cô đã có quyết định rồi, chỉ là sợ mọi người trong nhà không đồng ý mà thôi.  “Thật?” Anh hai lúc này mới lên tiếng, ánh mắt anh như nhìn thẳng vào tâm can của cô khiến cho An Nguyên bất giác mà chột dạ. “Vâng.” Sáng mai cô sẽ nói.  Kết thúc bữa ăn trưa, anh hai phải quay trở lại công ty làm việc, anh ba thì vì thấy mệt nên đi nghỉ sớm, bố mẹ cũng vậy. Trong nhà bây giờ chỉ có mỗi cô là còn thức, có lẽ là do ban sáng ngủ quá nhiều cho nên không thể ngủ tiếp được nữa.  An Nguyên mở hộc tủ của mình ra, lôi từ bên trong ra một cái hộp sắt tương đối cũ kĩ. Cái này có thể được coi là toàn bộ gia tài của cô.  Đây là cái hộp tiết kiệm, trong này chứa đựng vô số những tờ tiền khác nhau, từ mệnh giá nhỏ nhất là một ngàn hai ngàn cho tới những tờ tiền có giá trị lớn như một trăm ngàn hai trăm ngàn… Chúng được cô cất giữ cẩn thận ở trong này. Số tiền này từ đâu mà có ư? Chúng là từ tiền được lì xì tết của cô, tiền tiêu vặt thi thoảng anh hai và bố mẹ sẽ cho cô và cả thậm chí tiền được coi là do cô kiếm được từ việc bán đồ nhựa. Ở trường Trung học cơ sở, bạn bè cô có thói quen mua nước chai đóng hộp rất nhiều thay vì mang nước từ nhà đi. Những lần uống xong, họ đều vứt vỏ chai đi hết, An Nguyên thấy như vậy thì rất phí bởi vốn dĩ chúng bán đi là có thể có được tiền mà. Do vậy, mỗi buổi học kết thúc, An Nguyên đều sẽ đem hết những chai nhựa mà mình gom góp được đem ra cho bác bán phế liệu sau trường. Bữa nào ít thì chỉ có năm mười ngàn, bữa nào nhiều thì chỉ được tới tận bốn năm chục ngàn. Việc này được cô thực hiện suốt bốn năm qua, chưa hề dừng lấy một ngày. Bạn bè ban đầu ai nấy cũng thắc mắc, sau dần lại biết nhà cô khó khăn, kinh tế cũng chẳng mấy khá giả cho nên họ đều giúp cô. Mỗi khi uống nước xong lại để ở góc lớp, cuối buổi An Nguyên sẽ gom lại. Thậm chí, bạn bè lớp khác biết được cũng giúp cô, mỗi giờ ra chơi sẽ là lúc An Nguyên được nhiều người gọi tên nhất. Giáo viên chủ nhiệm của cô đương nhiên là biết được chuyện này, chẳng qua là cô đã cam kết nó không hề ảnh hưởng gì tới các bạn, các bạn trong lớp cũng đã khẳng định như vậy, cho nên cô ấy mới mắt nhắm mắt mở mà cho qua.  Công việc bán đồ nhựa này đã giúp cô rất nhiều trong suốt bốn năm trung học cơ sở. Tập vở cần thiết hay đồ dùng linh tinh, cô đều không cần phải xin bố mẹ hoặc anh hai nữa.  Nhìn xem, bây giờ là lúc đập hộp. Số tiền tuy không lớn nhưng cũng không nhỏ, được hẳn mấy triệu. Đây là lần đầu tiên mà An Nguyên có một số tiền lớn như vậy. Nó khiến cho cô cảm thấy mình có thành tựu. Số tiền này cô dự tính mình sẽ tự mình mua sách vở cho năm học đầu tiên của trung học phổ thông. Điều cô thắc mắc duy nhất đó chính là lên cấp ba rồi, cô có thể làm công việc như thế tại ngôi trường mới hay không? Tối hôm đó trên bàn ăn vắng đi một người, là anh ba An Bình. Bạn bè cấp ba nghe tin anh ấy về đây nghỉ hè, thế là đã rủ ra bờ sông tụ tập rồi. Ban đầu anh ấy tính từ chối, hẹn khi khác vì anh mới về nhà, muốn dành thời gian cho gia đình nhiều hơn nhưng bị mẹ khuyên ngăn. Dẫu sao hai tuần tới anh vẫn còn ở đây, có thời gian quây quần với mọi người. Còn bạn bè thì lâu lâu mới tụ tập được, từ chối thì không nên.  Ở nhà, vắng đi một người không có nghĩa là trên bàn ăn vắng đi sự vui vẻ. Như thường lệ, những câu chuyện xảy ra trong ngày vẫn được đưa lên bàn cơm. “Thế là cái Mai quyết định đi học nghề ấy hả mẹ?” Cái Mai là con gái bạn của mẹ Bình, cũng bằng tuổi của cô, vừa mới kết thúc kỳ thi vào lớp mười xong. Nghe đâu kết quả không được tốt lắm, cái Mai cũng không đam mê học hành nữa, đang tính tới con đường đi học nghề, sau này tự nuôi lấy bản thân.  “Nguyên, làm gì thì làm, phải vào đại học nghe chưa?” Không biết sao mỗi lần đụng tới chuyện học hành, cả nhà đều cảm giác người chủ của gia đình là bố cô đây nhạy cảm hơn bình thường.  “Vâng ạ.” An Nguyên cũng không có ý định là không học đại học. Cô phải học đại học thì mới có công việc ổn định như anh hai để về giúp đỡ gia đình được. Từ bao giờ mà đối với An Nguyên cô, chỉ có học là cách duy nhất giúp cho gia đình cô thoát khỏi khó khăn.
Free reading for new users
Scan code to download app
Facebookexpand_more
  • author-avatar
    Writer
  • chap_listContents
  • likeADD