Chương 3: Thời thanh xuân

1647 Words
Gấp lại lá thư, cảm xúc bất lực khi phải lựa chọn giữa tình yêu và lý trí vẫn còn vẹn nguyên như khi đó. Năm xưa khi viết thư này gửi Nam Phong, Phương Linh cũng đồng thời viết một lá thư giống hệt gửi bản thân trong tương lai. Những đêm dài vô thức nhớ đến Nam Phong, cô sẽ lôi bức thư đó ra đọc. Chia tay không phải vì hết yêu, chia tay vì muốn tình yêu mãi vẹn nguyên. *** Chín năm trước. Phương Linh vừa bước qua kỳ thi đại học vất vả. Mọi mệt mỏi vì phải thức đêm ôn luyện của cô cũng được đền đáp xứng đáng. Cộng thêm điểm vùng, tổng điểm xét tuyển của cô là 27,5 điểm. Với số điểm đó Phương Linh có thể lựa chọn bất cứ trường đại học nào. Phương Linh không cần nghĩ ngợi đã điền hết năm nguyện vọng vào Học viện Kinh tế. So với những trường top đầu về kinh tế khác, Học viện Kinh tế có phần lép vế hơn bởi vị trí xa trung tâm thành phố và cơ sở vật chất không tốt nhưng trình độ của các thầy cô được đánh giá cao, tấm bằng của trường cũng rất có giá trị. Trường có nhiều cựu sinh viên nắm chức vụ cao trong nhà nước và các doanh nghiệp lớn. Năm xưa do ảnh hưởng của chiến tranh nên trường chuyển về khu vực gần ngoại thành, từ đó đến nay vẫn không thay đổi địa chỉ. Những học sinh ái ngại không chọn Học viện Kinh tế chủ yếu vì vị trí của trường quá xa, trường cách những tụ điểm du lịch, ăn uống và vui chơi trong thành phố một quãng đường dài. Thời sinh viên chính là để vui chơi tận hưởng, có mấy ai muốn tự giam mình trong một xó nhỏ. Vấn đề quan tâm của Phương Linh không nằm ở đó, Học viện Kinh tế có học phí chỉ bằng một nửa so với các trường đại học tương tự, vị trí của trường ở xa trung tâm nên giá phòng trọ và thực phẩm cũng rẻ hơn. Với một sinh nghèo như Phương Linh mà nói, các khoản chi phí khi cần cho việc học quan trọng hơn chất lượng giảng dạy và danh tiếng nhà trường. Học viện Kinh tế không kém những ngôi trường khác nhưng học phí rẻ hơn nhiều, sao cô phải phân vân! Học viện Kinh tế có rất nhiều học sinh như Phương Linh, là con nhà nghèo nỗ lực học tập, cô hy vọng vào trường mới sẽ tìm được bạn cùng chí hướng. Một học kỳ đầu trôi qua khá vất vả. Ban đầu Phương Linh dự định ở ký túc xá để tiết kiệm tiền nhưng ký túc xá của trường chỉ dành cho học sinh có hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo, theo kinh nghiệm của những tiền bối đi trước, những đối tượng khác muốn ở ký túc xá phải đi quà người quản lý ký túc. Khi đó hai người bạn cùng quê rủ Phương Linh thuê phòng chung, tiền phòng chia ba không hơn tiền ở ký túc xá quá nhiều, địa chỉ chỗ trọ lại gần trung tâm thành phố hơn, tìm việc làm thêm tiện hơn nhiều nên Phương Linh quyết định thuê trọ ở bên ngoài. Nhà Phương Linh tuy nghèo nhưng không có sổ hộ nghèo. Mấy năm trước bố mẹ tìm bác trưởng thôn giúp đỡ, gia đình cô được hộ nghèo một năm rồi lại bị cắt. Cán bộ xã mới là người quyết định gia đình nào được hộ nghèo, bác trưởng thôn chỉ có thể nói giúp gia đình cô một lần, không được tiếp thì bác cũng không thể giúp nữa. Lên đại học rất tốn kém. Nếu gia đình có sổ hộ nghèo thì Phương Linh không cần đóng học phí và có cơ hội giành được nhiều loại học bổng khuyến khích học tập của các doanh nghiệp. Số tiền đó tính ra không hề nhỏ. Phương Linh không thể trơ mắt nhìn quyền lợi của mình bị cướp mất, trước đi đến thành phố cô đã ra ủy ban xã nói lý. Bố mẹ Phương Linh không muốn cô làm vậy, bao nhiêu người ra ủy ban đòi hộ nghèo nhưng có được đâu, bố mẹ cô không muốn cô vừa tốn công vô ích vừa phải mang tiếng xấu. Dù có tốn công vô ích hay mang điều tiếng thì Phương Linh vẫn phải đi. Bốn năm học phí không phải là con số nhỏ, chưa kể những khoản học bổng khác. Bố mẹ nai lưng ra làm lụng, phải bán bao nhiêu tấn thóc mới được số tiền đó chứ? Nói lý không được thì tìm cách khác vậy. Phương Linh tìm đến cán bộ xã, nói chuyện với ông ta trong phòng nước. Vừa nói được vài câu ông ta đã tìm cách đuổi khéo cô. - Cháu yên tâm về trước đi, các bác sẽ hỗ trợ tạo điều kiện tốt nhất cho gia đình cháu. - Giọng ông ta ngon ngọt nhưng hiện rõ ý không muốn giúp. Phương Linh bước ra khỏi phòng nước. Lễ phép nói với ông ta: - Cháu xin phép ông vào trong ngồi một lát để điều chỉnh tâm trạng, bây giờ trong nhà rất bức bách, cháu không muốn về. - Phương Linh chỉ vào phòng công chứng và nói. Lúc này giọng cô đã run run, đôi mắt đỏ hoe như sắp khóc. Để một cô bé khóc lóc ngồi trong phòng công chứng thì ủy ban xã còn mặt mũi gì nữa? Ông ta nói dối rằng còn phải tiếp người khác để đuổi Phương Linh về, không phải để cô khóc lóc làm loạn trong phòng công chứng. - Cháu nên về nói chuyện đàng hoàng với bố mẹ. Chuyện gì cũng có thể giải quyết. Phương Linh đột nhiên òa lên mếu máo: - Bố mẹ cháu... bố mẹ cháu cố gắng hết sức rồi... nuôi cháu bao nhiêu năm nay đâu dễ dàng gì. Tiền xây nhà từ mấy năm trước bố mẹ vẫn còn nợ người ta. Bố mẹ cháu trọng nam khinh nữ không cho cháu đi học thì... thì cháu còn có thể trách bố mẹ... đằng này... bố mẹ vất vả kiếm tiền cũng không thể thoát khỏi cảnh nghèo khó... đến nuôi cháu đi học cũng khó khăn. Phương Linh đột nhiên mất bình tĩnh khiến ông cán bộ sững sờ. Người trong phòng công chứng đều quay ra hóng chuyện. - Cháu bình tĩnh lại trước! - Ông ta cố tỏ vẻ an ủi cô. Phương Linh níu tay ông ta khẩn thiết nói: - Cháu... chắc cháu phải nghỉ mấy năm kiếm tiền rồi... rồi... khi nào kinh tế khấm khá hơn mới tiếp tục học. - Phương khóc nấc lên. - Nếu gia đình cháu có sổ hộ nghèo thì cháu không phải khổ như vậy rồi! - Cháu bình tĩnh lại trước, chú hứa sẽ cố gắng hết sức giúp gia đình cháu. - Để có sổ hộ nghèo cần làm hồ sơ phải không chú? có phải gia đình cháu nghèo quá, đến tiền hồ sơ cũng không có mới không được hộ nghèo đúng không? - Phương Linh vừa khóc vừa hỏi, giọng cô vô cùng khẩn thiết. Mọi người vẫn nhiệt tình hóng chuyện. Ông cán bộ kinh ngạc nhìn Phương Linh: - Cháu nói linh tinh gì vậy? Tâm trạng không tốt thì vào trong ngồi nghỉ ngơi một lát, trong đó có rất nhiều kẹo bánh. Ông cán bộ xã chỉ vào phòng nước. Phương Linh lắc đầu: - Chú cứ mặc cháu, chú còn có việc phải làm, cháu không thể mặt dày làm phiền chú. Hơn nữa căn phòng đó nhỏ như vậy, rất ngột ngạt, giống hệt số phận luẩn quẩn của cháu. Cứ nghĩ học tập thật tốt tương lai có thể đổi đời nhưng cơ hội đi học còn không có. - Phương Linh thở dài. - Nghèo rồi lại hoàn nghèo. Ánh mắt mọi người hướng đến phía này càng ngày càng nhiều, có vài người giơ điện thoại lên quay phim. Chủ tịch xã cũng đi tới, ông ta không muốn làm to chuyện đành thỏa hiệp. - Cháu bình tĩnh nghe bác nói, việc của cháu bây giờ là học tập thật tốt, không cần lo những vấn đề này. Trước đây gia đình cháu không được hộ nghèo đều có lý do, các cán bộ đánh giá kỹ càng mới quyết định nhà nào được hộ nghèo. Nhưng bây giờ đã khác, cháu lên đại học rồi, gánh nặng tiền bạc của bố mẹ nhiều hơn trước. Các cán bộ đã xem xét vấn đề này. Tuyệt đối không để ảnh hưởng đến việc học của cháu. Phương Linh không biết có thể tin lời ông ta không? Nhưng ngoài tin ra cô không còn sự lựa chọn nào khác. Sau lần đó Phương Linh nổi tiếng cả làng. Rõ ràng so với tình hình chung của xã gia đình cô hoàn toàn xứng đáng có hộ nghèo nhưng lại không được. Người làm sai không phải là cô nhưng tất cả mọi người đều nhìn cô chỉ chỏ. Những lúc đó Phương Linh ước bản thân có tiền có quyền, cô sẽ không ngần ngại mà thẳng mặt kể lỗi của những người đó, nói đến ra ngô ra khoai thì thôi. Chỉ hận rằng cô không có bất cứ thứ gì trong tay, cô cần sổ hộ nghèo để giảm chi phí học tập mà những người đó là người quyết định gia đình nào được hộ nghèo.
Free reading for new users
Scan code to download app
Facebookexpand_more
  • author-avatar
    Writer
  • chap_listContents
  • likeADD